Phòng kỷ - Phấn Phòng kỷ

Tên khác

Tên thường dùng: Phòng kỷ, phấn phòng kỷ, Hán phòng kỷ, thạch thiềm thừ, sơn ô qui, đảo địa cung, kim ty điếu miết, bạch mộc hương.

Tên dược: Radix Stephaniae Tetrandrae

Tên khoa học: Stephania tetrandrae S. Moore

Tên tiếng Trung: 房 己

Họ khoa học: Họ Tiết Dê (Menispermaceae)

Lưu ý: Cần phân biệt với Mộc phòng kỷ (Cocculus trilobus - Thunb DC) và Quảng phòng kỷ ( Aristolochia fangchi Wu et L.D. Chou et S.M.Hwang) cũng thuộc họ tiết dê.

Cây phòng kỷ

(Mô tả, hình ảnh cây phòng kỷ, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý...)

Mô tả

Phòng kỷ là một cây thuốc quý. Cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình thành củ, đường kính của rễ có thể tới 6cm. Thân cây mềm, dài khoảng 2,5-4m. Vỏ thân màu xanh nhạt, nhưng ở gốc màu hơi đỏ. Lá mọc so le hình tim, dài khoảng 4-6cm, rộng khoảng 4,5-6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro. Cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá dính vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, khác gốc, màu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt.

Bộ phận dùng:

Rễ cái. Rễ cái vàng, chắc, có vân ngang là tốt. Rễ đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu.

Cách bào chế:

Theo Trung Y:

Cạo bỏ vỏ ngoài, rửa rượu phơi khô (Bản Thảo Cương Mục).

Lấy rễ khô ngâm nước một ngày. Vớt ra ủ mềm thấu, thái lát phơi khô (dùng sống) hoặc tẩm rượu sao dùng.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ngâm một lúc, ủ cho đến mềm thấu, thái mỏng phơi khô. Có thể rửa sạch, thái mỏng ngay rồi phơi khô.

Bảo quản:

Phơi thật khô, để nơi cao ráo.

Thành phần hoá học:

Tetradine, Fangchinoline, Menisine, Menisidine, Cyclanoline, Fanchinine, Demethyltetradine (Trung Dược Học).

Tác dụng dược lý:

Nhiều loại Alkaloid của Hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng dãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, làm giảm lượng tiêu hao oxy của cơ tim. Thuốc có tác dụng chống rối loạn nhịp tim (Trung Dược Học).

Tetradine A, B đều có tác dụng chống viêm. Các Tetradine đều có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng giải nhiệt, chống dị ứng, chống choáng quá mẫn (Trung Dược Học).

Thuốc có tác dụng làm dãn cơ vân (Trung Dược Học).

Thuốc có tác dụng chống ung thư (chủ yếu do chất Phòng kỷ tố A. Phòng kỷ tố A, B đều có tác dụng kháng amip. Phòng kỷ tố A có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella (Trung Dược Học).

Vị thuốc phòng kỷ

(Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh)

Tính vị:

Vị cay, tính bình (Bản Kinh).

Vị rất đắng, tính hàn (Y Học Khởi Nguyên).

Vị đắng, cay, tính hàn (Trung Dược Học).

Quy kinh:

Vào kinh Can, Tỳ, Thận (Bản Thảo Tái Tân).

Vào kinh Bàng quang, Thận, Tỳ (Trung Dược Học).

Công dụng, chủ trị

Trừ phong, lợi thủy. Trị thuỷ thủng, phong thuỷ cước khí sưng đau (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Trị phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nHọt lở.

Chứng phong thấp ứ trệ hoặc chứng thấp nhiệt ứ trệ: Phòng kỷvới ý dĩ nhân, Hoạt thạch, Tàm sa và Mộc qua.

Chứng hàn thấp ứ trệ: Phòng kỷvới Quế chi và Phụ tử chế.

Phù có biểu hiện nhiệt: Phòng kỷvới Ðình lịch tử và Tiêu mộc trong bài Kỷ Cúc Lịch Hoàng hoàn.

Phù do Tỳ hư: Phòng kỷvới Hoàng kỳ và Bạch truật trong bài Phòng Kỷ Hoàng Kỳ Thang.

Liều dùng:

Ngày dùng 6 - 12g.

Kiêng ky:

Âm hư mà không có nhiệt thì không nên dùng.

Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc phòng kỷ

Trị khớp viêm sưng đau:

Phòng kỷ, Bạch truật, Sinh khương, Bạch linh đều 12g, Cam thảo 9g, Ô đầu 6g, Quế chi 3g. Sắc uống (Phòng Kỷ Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị khớp viêm sưng đau:

Bài 1: Phòng kỷ, Ý dĩ nhân đều 15g, Mộc qua, Ngưu tất đều 9g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Bài 2: Phòng kỷ, Tằm sa đều 10g, Uy linh tiên 12g, Kê huyết đằng 15g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị phù thũng, tiểu bí:

Bài 1: Phòng kỷ, Bạch truật đều 10g, Hoàng kỳ (sống) 16g, Cam thảo 5g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Bài 2: Phòng kỷ, Phục linh, Hoàng kỳ, Quế chi đều 10g, Cam thảo 6g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị huyết áp cao:

Cao Dục và cộng sự dùng thuốc chích tĩnh mạch Hán phong kỷ tố A, ngày 2 lần, mỗi lần 120~180mg. Trị 256 ca (có 14 ca uống), tỉ lệ hạ huyết áp 84, 07%. Đối với cơn huyết áp cao cũng có tác dụng giống nhau (Vũ Hán Y Học Tạp Chí 1964, 5 : 358).

Tham khảo:

QUẢNG PHÒNG KỶ (RADIX ARISTOLOCHIAE WESTLANDII)

A. Mô tả cây

Cây leo, sống lâu năm, có thân màu tro nâu hoặc nâu đen. Lá mọc so le, cuống lá dài 1-3,5cm, phiến lá hình trứng dài, chiều dài 3-17cm, rộng l-6cm, mép nguyên. Hoa đơn độc, mọc ở kẽ lá, tràng hình ống, màu tím, cong ở phía gần giữa.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Hiện cũng chưa thấy cây này tại Việt Nam. Ta vẫn phải nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, cây này mọc hoang ở rừng núi các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Do đó ta có thể để ý phát hiện tại các tỉnh biên giới nước ta. Mùa thu, đào rễ về, cạo vỏ ngoài hay không, cắt thành từng đoạn ngắn 14-25cm, (những củ to đem bổ làm đôi, xông diêm sinh, có nơi không xông diêm sinh) rồi phơi hay sấy khô.

C. Thành phần hoá học

Trong quảng phòng kỳ, người ta cũng đã tìm thấy một sốancaloit, chủ yếu là mufongchin A: C32H24O13N2, mufongchin B: C14H22O11N14 và mufongchin C: C18H21O10.

D. Công dụng và liều dùng

Cũng như phấn phòng kỷ, quảng phòng kỷ được dùng chữa các chứng thủy thũng, phong thũng, lâm bệnh, tiểu tiện khó khăn, phong tì thống, cước khí thấp thũng, hạ bộung thũng thấp thương. Tuy nhiên trong đông y người ta cho rằng khi bị thủy thũng thì dùng phấn phòng kỷ, còn nếu bị phong thấp thì dùng quảng phòng kỷ.

Liều dùng cũng như phấn phòng kỷ

Cùng với loại này có hán trung phòng kỷ(Aristolochia heterophylỉa).

MỘC PHÒNG KỶ (RADIXARISTOLOCHIAE HEMSL.)

Là rể phơi hay sấy khô của cây Cocculus irilobus DC. thuộc họ Tiết dê Menispermaceae. Loại dây leo, sống lâu năm, cho những mẩu rễ đường kính l,5-3,5cm, cắt thành từng mẩu dài 13cm.

Trong mộc phòng kỷ có các ancaloit như trilobin C36H36O5N2, và isotrilobin C36H36O5N2

Mặc dù khác loài khác chi, nhưng người ta dùng chữa những bệnh như các vị phòng kỷ nói trên.

CÁC LOẠI PHÒNG KỶ DÙNG Ở VIỆT NAM

Hiện nay ở nước ta có khai thác một số rễ cây với tên phòng kỷ. Chúng tôi chưa có dịp xác định. Phòng kỷ khai thác ở Quảng Ninh không những dùng trong nước, lại còn được xuất sang Trung Quốc. Cần chú ý nghiên cứu. Qua các tài liệu cũ, ở ta có một loại dây leo gọi là dây xanh hay dây một Cocculus sarmentosus Diels thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Còn gọi là dây cót ken - dây sâm-hoàng thanh. Đây là một loại dây leo, có cành nhỏ, mang lông. Lá nhiều hình dạng, khi thì nhọn, khi thì tròn có khi lại bằng đáy, hai mặt có lông, nhưng mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Chùm hoa dài 2- 5cm: Khi hoa mọc ởđầu cành thì dài hơn. Quả hạch, màu đen đường kính 5-6cm, hạch dẹt, trên mỗi mặt có một vết lõm hình liềm. Phôi nhũ hình móng ngựa. Có tài liệu cho rằng đây chính là loài Cocculus trilobus nói trên. Ngoài vị phòng kỷ nói trên, một số nơi còn dùng rễ cây gấc Momordica cochinchinensis với tên phòng kỷ. Việc thay thế này không có căn cứ. Có lẽ chỉ vì người ta thấy vết cắt ngang của rễ gấc hơi giống vết cắt ngang của vị phòng kỷthật cho nên nhầm lẫn chăng.

Hán phòng kỷ chủ thuỷ khí, Mộc phòng kỷ chủ phong khí, tuyên thông (Bản Thảo Thập Di).

Hán phòng kỷ trị phong thấp, khẩu diện oa tà, tay chân đau, làm tan đờm lưu trệ, chủ Phế khí ho suyễn. Mộc phòng kỷ trị con trai chân tay khớp trúng độc phong, không nói, chủ tán khí kết, ung thủng, ôn ngược, phong thuỷ thũng, trị bệnh bàng quang (Dược Tính Bản Thảo).

Trị thuỷ dùng Hán phong kỷ, trị phong dùng Mộc phòng kỷ (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Hán phòng kỷ mọc ở Hán Trung (Thiểm Tây – Trung Quốc), bên ngoài trắng, hơi vàng. Cho vào thuốc dùng rễ, vị đắng, cay. Đắng hay đi xuống, cay hay trừ thấp, thiên về chữa thấp nhiệt, nhất là thấp nhiệt ở phần dưới như bệnh cước khí. Mộc phòng kỷ bên ngoài có mầu vàng nhạt, thiên về trị phong thấp, đặc biệt là phong thấp ở phần trên, thí dụ chứng tý (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Hán Phòng kỷ kích thích Thận bài tiết niệu mạnh, nhưng dùng quá liều sẽ ngược lại. Mộc Phòng kỷ trị các chứng đau thần kinh, nhất là thần kinh liên sườn,ngực đau ở người bị bệnh lao, các loại đau cơ bắp, khớp vai, đau xương sống có hiệu quả tốt (Thực Dụng Trung Y Học)

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Tham khảo ý kiến thầy thuốc

Thần dược cho người đột quỵ

Thực phẩm cho người tiểu đường

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC

Vị thuốc vần A

Vị thuốc vần B

Vị thuốc vần C

Vị thuốc vần D

Vị thuốc vần E

Vị thuốc vần G

Vị thuốc vần H

Vị thuốc vần I

Vị thuốc vần K

Vị thuốc vần L

Vị thuốc vần M

 

 

Vị thuốc vần N

Vị thuốc vần O

Vị thuốc vần P

Vị thuốc vần Q

Vị thuốc vần R

Vị thuốc vần S

Vị thuốc vần T

Vị thuốc vần U

Vị thuốc vần V

Vị thuốc vần X

Vị thuốc vần Y

 

Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.comchỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.

. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH