Cây đại

Tổng hợp kiến thức về vị thuốc Cây đại
1. Các tên gọi của Cây đại
2. Cây đại (hình ảnh, thu hái, chế biến, bộ phận dùng làm thuốc ...)
3. Thành phần hoá học, tác dụng dược lý
4. Tác dụng của Cây đại (Công dụng, Tính vị và liều dùng)
5. Vị thuốc Cây đại chữa bệnh gì? - Bài thuốc
Chữa táo bón - giúp nhuận tràng
Chữa chân răng sưng đau:
Chữa viêm tấy, lở loét chai chân:
Chữa sai khớp, bong gân, mụn nhọt:
An thần, giảm huyết áp:

Tên khác

Tên thường gọi: Còn gọi là miến chi tử, kê đản tử, cây hoa đại, bông sứ, hoa sứ trắng, bông sứ đỏ, bông sứ ma, hoa săm pa

Tên khoa học: Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir.) Bailey

Họ khoa học: Thuộc họ Trúc đào

Cây đại

(Mô tả, hình ảnh cây đại, phân bố, thu hái, thành phần hóa học, tác dụng dược lý)

Mô tả:

Cây đại không những được trồng làm cảnh mà còn là một cây thuốc quý. Dạng cây nhỡ, cành mẫm, to. Lá mọc so le sít nhau, thường tập trung ở đầu cành, lá dày, nguyên, hai đầu đều hẹp nhọn, mặt nhẵn bóng, gân giữa nổi rõ. Hoa màu trắng, rất thơm, mặt trong ở phía dưới màu vàng. Quả đại dài hình trụ. Mùa hoa ở miền Bắc 4-8.

Phân bố:

Cây rất hay được trồng làm cảnh quanh chùa đền và các công viên vì dáng đẹp, hoa thơm , một số bộ phận dùng làm thuốc.

Vỏ thân đẽo về sao vàng mà dùng, có khi phơi khô để dành. Vỏ rễ cũng dùng như vỏ thân. Hoa đại hái về, phơi khô, ngoài ra còn dùng nụ và lá tươi.

Thu hái:

Ðược nhập trồng vì hoa đẹp, mọc lâu năm. Người ta thu hái hoa khi mới nở, dùng tươi hay phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Dùng khô tốt hơn dùng tươi.

Bộ phận dùng:

Vỏ thân, hoa (Cortex et Flos Plumeriae), lá tươi, nhựa tươi.

Thành phần hoá học:

Các chất thuộc nhóm Iridoid, alcaloid, trong hoa có tinh dầu.

Trong vỏ thân, Peckolt và Geuther đã tìm thấy một glucozit gọi là agoniađin C10H14O6 có tinh thể hình kim mềm, chảy ở 155°C, ít tan trong nước, trong rượu, trong sunfua cacbon, ête và benáa, tan trong axit nitric và sunfuric. Dung dịch màu vàng tươi, nhưng dần dần ngả màu xanh lục. Dưới tác dụng của axit loãng và đun sôi, agoniađin sẽ cho glucoza và một phần chưa xác định được.

Oudman còn chiết được từ nhựa cây một axit gọi là axit plumeric C10H10O5, có tinh thể hình kim nhỏ, tan trong nước sôi, rượu và ête, chảy và bị phân tích ở 130°C. Năm 1952, Grumbach A., Schmiđ H. và Bencze w. (1952, Uberein Pfianzliches Antibioticum. Experimentia, Suisse, 8, (6): 224-225) đã chiết được từ cây hoa đại một chất kháng sinh mới đặt tên là funvoplumierin có tác dụng ức chế sự lớn lên của một số giống Mycobacterium tuberculosis.

G. H. Mahran (1974, Planta Medica, 5: 226) đã lấy từ rễ, lá và vỏ đại một chất đắng gọi là plumierit, một glucozit. Không có trong hoa. Plumierit là một chất bột trắng, có tinh thể, không mùi, vị đắng, độ chảy 155-156°C tan trong nước, trong cồn etylic, metylic, etylaxetat. ít tan trong ête, clorofoc, không tan trong ête dầu hoả. Trong hoa có một ít tinh dầu mùi thơm mát.

Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng sinh của chất funvoplumierin đã giới thiệu ở trên.

Năm 1962, khoa dược lý trường Sĩ quan quân y Việt Nam có nghiên cứu tác dụng của hoa đại (dạng nước sắc 10-20%, 100%) đã đi đến một số kết luận sau đây:

Hoa đại có tác dụng hạ huyết áp (thí nghiệm trên thỏ, chó). Hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi.

Hoa đại không làm giãn mạch, không có tác dụng đối với ngoại biên mà là tác dụng trung tâm, và cũng không phải do tác dụng trên hệ phó giao cảm.

Tác dụng hạ huyết áp xuất hiện nhanh và tương đối bền vững. So với tác dụng của ba gạc (Rauvoifia verticiliata) thì ba gạc tác dụng chậm hơn hoa đại. Độ độc của hoa đại cũng ít hơn Rauvolfia verticil lata. Qua thí nghiệm liều dùng cho người có thể tới 60g một ngày, chia làm 2 lần uống.

Vị thuốc kê đản tử -cây đại

(Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh...)

Công năng:

Hoa có tác dụng tiêu đờm, trừ ho, thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết.

Nhựa mủ có tác dụng tiêu viêm, sát trùng.

Công dụng:

Vỏ thân cạo bỏ lớp bần, thái mỏng, sao thơm, sắc uống để nhuận tràng, xổ ra giun và trị thủy thũng.

Hoa trị sốt, chữa ho, tiêu đờm. Lá giã nấu thành cao, đắp vào chỗ sầy da, chảy máu.

Nhựa: Bôi trị các vết ghẻ lở, viêm tấy.

Cách dùng, liều lượng:

Vỏ dùng để nhuận tràng 3-6g, để xổ 8-16g; Hoa: 12-20g.

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc kê đản tử - cây đại

Chữa táo bón - giúp nhuận tràng

Lấy 4-5 g vỏ thái mỏng, sao thơm, sắc với 200 ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Hoặc: Vỏ đại 50 g, cám gạo 50 g, sao vàng, tán nhỏ rồi rây thành bột mịn, trộn với hồ làm viên 0,5 g. Người lớn dùng 15 viên mỗi ngày, trẻ em 5-9 tuổi uống 5 viên, 10-15 tuổi uống 10 viên. Chia thuốc uống làm 2 lần với nước đun sôi để nguội (không dùng nước chè).

Chữa chân răng sưng đau:

Lấy 12-20 g vỏ rễ ngâm trong 200 ml rượu 25-35 độ trong khoảng 30 phút. Mỗi ngày ngậm 2 lần, không được nuốt. Chú { không được dùng quá liều.

Chữa viêm tấy, lở loét chai chân:

Dùng nhựa cây đại bôi tại chỗ.

Chữa sai khớp, bong gân, mụn nhọt:

Lấy lá đại giã nát đắp tại chỗ.

An thần, giảm huyết áp:

Hoa đại khô thái nhỏ 100 g, hoa cúc vàng khô thái nhỏ 50 g, hoa hòe (sao vàng) 50 g, hạt quyết minh (sao đen) 50 g. Tất cả tán thành bột, chia thành gói 10 g. Mỗi ngày dùng 1-2 gói, hãm uống thay nước chè trong ngày. Thuốc có tác dụng bảo vệ mao mạch, làm giảm nhẹ huyết áp, an thần, gây ngủ nhẹ.

Tham khảo

Chú ý khi dùng

Người đang bị tiêu chảy, có thai không được dùng.

Thaythuoccuaban.com Tổng hợp

*************************

Tham khảo ý kiến thầy thuốc

Thần dược cho người đột quỵ

Thực phẩm cho người tiểu đường

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC

Vị thuốc vần A

Vị thuốc vần B

Vị thuốc vần C

Vị thuốc vần D

Vị thuốc vần E

Vị thuốc vần G

Vị thuốc vần H

Vị thuốc vần I

Vị thuốc vần K

Vị thuốc vần L

Vị thuốc vần M

 

 

Vị thuốc vần N

Vị thuốc vần O

Vị thuốc vần P

Vị thuốc vần Q

Vị thuốc vần R

Vị thuốc vần S

Vị thuốc vần T

Vị thuốc vần U

Vị thuốc vần V

Vị thuốc vần X

Vị thuốc vần Y

 

Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.comchỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.

. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH