VIÊM GAN

Chế độ ăn cho người bị viêm gan

Bệnh viện trả về vì viêm gan, sau khi uống thuốc đã khỏe lại

Hỏi ý kiến thầy thuốc???

Viêm gan siêu vi được coi là bệnh lây lan thường gặp. Tỉ lệ phát bệnh khá cao, tính chất lây truyền mạnh và đường lây cũng phức tạp.

Hiện nay, người ta thường gặp có 3 loại siêu vi gây viêm gan:

+ Viêm gan Siêu vi A, B, D,

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh là mệt mỏi, chán ăn, sợ mỡ, nôn hoặc buồn nôn, vùng gan đau hoặc đầy tức vùng thượng vị, nhiều bệnh nhân vàng da và sốt, gan to ấn đau kèm theo suy giảm chức năng gan... Nguồn bệnh là người bệnh và người mang vi rút. Đường lây viêm gan siêu vi A chủ yếu là đường tiêu hóa (qua miệng), viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi không A không B chủ yếu là đường máu (tiêm, châm, phẫu thuật, vết thương chảy máu...).

Nguyên Nhân Theo YHCT

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của viêm gan siêu vi thì bệnh thuộc phạm trù các chứng Hoàng Đản, hoặc Hiếp Thống.

Theo YHCT, nguyên nhân bệnh chủ yếu là do cảm nhiễm thấp nhiệ bên ngoài, uất kết ở Tỳ Vị, chức năng vận hóa rối loạn gây nên chán ăn, đầy bụng, ảnh hưởng đến Can Đởm, gây nên khí huyết ứ trệ, ha sườn đau, bụng đầy, mật ứ, miệng đắng.Thấp nhiệt thịnh nung đốt bì phu sinh ra vàng da (hoàng đản).

Ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu cũng làm tổn thương Tỳ Vị, thấp nhiệt nội sinh, nung nấu Can, Đởm dẫn đến vàng da, đau sườn, mệt mỏi, chán ăn.

Ngoài ra, người bệnh do cảm phải tà khí dịch lệ sinh ra nhiệt độc công phá bên trong làm cho phần vinh, huyết bị tổn thương. Nhiệt độc thãm vào Tâm bào gây nên hoàng đản cấp, sốt cao, mê man, nói sảng, chảy máu cam, tiêu ra máu...

Chẩn Đoán

1. Chẩn đoán xác định theo:

a. Yếu tố dịch tễ: tình hình dịch bệnh, tiếp xúc bệnh nhân, lịch sử truyền máu, chích thuốc, châm cứu, nhổ răng...

b. Triệu chứng lâm sàng: chán ăn, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, vàng da, gan to, vùng gan đau...

c. Hội chứng hủy hoại tế bào gan: Transaminase tăng: GPT (ALT) tăng nhiều hơn GOT (AST) tăng rất cao gấp 5- 10 lần trị số bình thường.

d. Tìm chứng cớ nhiễm vi rút: HBSAG (kháng nguyên bề mặt của vi rút viêm gan B) dương tính trong HBV, còn đối với HAV thì phân lập vi rút trong phân và xuất hiện IGM kháng HAV trong huyết thanh.

e. Các phương pháp kiểm tra gan bằng siêu âm và sinh thiết gan.

2. Chẩn đoán phân biệt và chú ý:

a. Viêm gan thời kỳ đầu và thể không vàng da: dễ bị bỏ qua do nghĩ viêm họng, cảm mạo, rối loạn tiêu hóa.

Cần hỏi kỹ lịch sử tiếp xúc và tình hình dịch bệnh.

b. Viêm gan do nhiễm độc, nhiễm trùng trong các bệnh thương hàn, viêm ruột do trực khuẩn coli gây vàng da, SGOT, SGPT máu tăng nhưng sốt kéo dài, có triệu chứng riêng của bệnh.

c. Vàng da do bệnh xoắn trùng: có ban chẩn, cơ bắp đau, anbumin niệu, xoắn trùng trong máu, thử nghiệm ngưng kết huyết thanh dương tính.

d. Vàng da do tắc mật: tắc mật ở người lớn thường do sạn ống mật, u đầu tụy có triệu chứng riêng, cần cảnh giác.

e. Vàng da do nhiễm độc thuốc: Chú ý hỏi tiền sử dùng thuốc như dùng thuốc có Thạch tín, Rimifon, Chlorproilazin, thuốc chống ung thư...

f. Đau bung cấp do viêm gan cần phân biệt với viêm ruột thừa, giun chui ống mật, giun đường ruột...

g. Ung thư gan: người gầy, gan to nhanh, đau nhiều.

Tiên Lượng

Viêm gan do vi rút A nếu có chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc ăn uống tốt thường được hồi phục trong vòng 10-15 ngày, ít khi kéo dài. Viêm gan vi rút B dễ chuyển thành mạn tính, một số ít tiến triển thành xơ gan rất ít trường hợp chuyển thành ung thư gan.

Điều Trị Bằng YHCT

Theo YHCT, viêm gan vàng da thuộc phạm trù chứng Hoàng đản, phép trị chính là: Thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết, giải độc (đối với viêm gan cấp, thể tối cấp), sơ can, kiện tỳ, hòa vị, tiêu thực (đối với thể không vàng da, thời kỳ hồi phục), hoạt huyết, hóa ứ (đối với viêm gan mạn, xơ gan). Tùy theo tính chất bệnh mà dùng phép trị thích hợp.

VIÊM GAN CẤP

Thường gặp 3 thể:

1.Thấp nhiệt:

Da mắt vàng tươi, bứt rứt khó chịu, người nóng, bực tức, chán ăn miệng đắng khô, bụng đầy hoặc nôn, buồn nôn, mệt mỏi, ngứa hoặc không, tiểu ít vàng như nước vối, táo bón, rìa lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch Huyền Hoạt, Sác hoặc Nhu Sác.

Pháp: Thanh lợi thấp nhiệt.

Dùng bài Nhân Trần Cao Thang gia giảm:

Nhân trần 40 Chi tử 12 Sinh đại hoàng 8
Bồ công anh 10 Thổ phục 10

Trường hợp thấp năïng thêm Hậu phác, Thương truật, Trạch tả. Nhiệt thịnh thêm Hoàng bá, Thạch cao.

2. Nhiệt độc (Thể nặng và rất nặng):

Triệu chứng: khát, bứt rứt, vàng da nặng lên rất nhanh, ngực bụng đầy tức, táo bón, tiểu vàng đỏ, nặng thì hôn mê, nói sảng, co giật, tiêu tiểu có máu, lưỡi đỏ thẫm, rêu vàng nhớt, khô, mạch Hoạt Sác.

Pháp: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, cứu âm

Tê giác 30 Sinh địa 20 Xích thược 12
Đan bì 12 Chi tử 12 Nhân trần 16 Bản lam căn 40
Thạch hộc 12

Nếu sốt cao mê man: thêm An Cung Ngưu Hoàng hoặc Chí Bảo Đơn để thanh tâm, khai khiếu.

3. Can Vị Bất Hòa (thể viêm gan không vàng da, thời kỳ hồi phục): mạn sườn đau tức, bụng trên đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, miệng đắng, chán ăn, chất lưỡi đỏ nhợt, mạch Huyền.

Pháp: Sơ Can, hòa Vị. Dùng bài Sài Hồ Sơ Can Tán gia giảm: Sài hồ, Bạch thược, Hương phụ đều 12g, Chỉ xác, Trần bì, Xuyên khung, Chích thảo đều 6g.

Có triệu chứng thấp nhiệt thêm Hoàng bá, Nhân trần. Ngực đau nhiều thêm Uất kim. Nôn, buồn nôn thêm Gừng tươi, Bán hạ, Trúc nhự. Trường hợp có triệu chứng Tỳ hư, dùng bài Tiêu Dao Tán gia giảm.

VIÊM GAN MẠN TÍNH

Thường gặp 2 thể:

1. Can tỳ bất hòa:

Bệnh nhân không sốt, da không vàng hoặc vàng nhẹ, gan còn sờ được dưới bờ sườn, mạn sườn đầy tức hoặc ấn đau, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, rêu lưỡi dày nhớt, mạch Huyền Hoạt.

Pháp: Sơ Can, kiện Tỳ.

Bài thuốc: Tiêu Dao Tán gia giảm:

Đương qui 12 Sài hồ 12 Bạch truật 12
Bạch linh 12 Hà thủ ô 12 Uất kim 12 Bạch thược 20
Đan sâm 8 Trần bì 8 Hậu phác 8 Cam thảo 4
Sinh khương

Bệnh nhân mệt mỏi nhiều thêm Nhân sâm 8g (hoặc Đảng sâm 12g), huyết kém hay chóng mặt, mắt mờ thêm Tang thầm, Kỷ tử. Sắc da còn vàng thêm Nhân trần, Chi tử.

2. Khí huyết ứ trệ:

Sắc mặt kém tươi nhuận, môi thâm tím, gan to, ấn đau, mạn sườn đau tức, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, rêu vàng, mạch Huyền Sáp hoặc Trầm Khẩn.

Pháp: Hoạt huyết, hóa ứ.

Bài thuốc: Huyết Phủ Trục Ứ Thang gia giảm

Đương qui 12 Sinh địa 12 Ngưu tất 12
Sài hồ 12 Uất kim 12 Bạch truật 12 Bạch thược 10
Xích thược 10 Xuyên khung 8 Đào nhân 8 Hồng hoa 6
Trần bì 8 Hậu phác 8

Gan to cứng thêm Miết giáp, Mẫu lệ; Bụng đầy hơi thêm Mộc hương, Sa nhân; Vùng gan đau nhiều thêm Nhũ hương, Một dược. Trường hợp khí hư thêm Nhân sâm (hoặc Đảng sâm), Hoàng kỳ.

3. Can âm bị thương tổn

Đầu choáng, hồi hộp, ít ngủ, haymê, bàn tay bàn chân nóng, khát nước, miệng khô, họng khô, hay tức giận, chất lươi đỏ , Táo , nước tiểu vàng, mạch huyền tế sác

Pháp: Bổ can âm(tư dưỡng can âm, tư âm dưỡng can)

Viêm gancan âm hư Sa sâm 15 Thục địa 12 Mạch môn 12
Thiên môn 8 Kỉ tử 12 Huyết dụ 16 Hoài sơn 16
ý dĩ 16 Hà thủ ô 12 Sinh địa 12 Trinh nữ tử 12
Bạch thược 12 Táo nhân 12 Địa cốt bì

Bệnh viêm gan siêu vi tuy trên lâm sàng thường gặp các thể trên đây nhưng thường lẫn lộn vì vậy cần chú ý khi biện chứng luận trị.

Những Điều Cần Chú Ý Trong Điều Trị Bệnh Viêm Gan Siêu Vi

Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ, không lao động trí óc hoặc chân tay quá sức gây mệt mỏi. Về chế độ ăn, cần dùng các thức ăn dễ tiêu như rau đậu, trái cây, sữa, cá, thịt nạc, cũng không nên ăn nhiều vì thịt là loại thức ăn khó tiêu đối với người đau gan, rất hạn chế ăn các chất dầu mỡ. Không ăn các chất cay nóng như ớt, tiêu, rượu, thuốc lá... Lúc chức năng gan kém cần thận trọng lúc dùng thuốc trụ sinh hoặc các loại thuốc cổ truyền có độc như Phụ tử, Ô đầu, Nhũ hương, Một dược, Tam lăng, Nga truật...

Bệnh nhân viêm gan siêu vi A thời kỳ cấp tính nên nằm viện cách ly ít nhất 30 ngày sau khi phát hiện vàng da, bệnh chưa khỏi thời gian cách ly dài hơn.

Tham khảo thêm về bệnh viêm gan, các bài thuốc, vị thuốc chữa viêm gan

Ăn đậu đỏ chữa viêm gan vàng da

Đậu đỏ hạt nhỏ (xích tiểu đậu) không chỉ là loại thực phẩm dinh dưỡng mà còn chữa được nhiều bệnh.
Thành phần xích tiểu đậu có chất béo, albumin, sinh tố B1, B2, axit nicotinic. Theo y học cổ truyền, xích tiểu đậu có vịngọt, tính bình, vào kinh tâm, tiểu trường, có tác dụng lợi thuỷ, hành huyết, tiêu sưng tấy, rút mủ...

Chữa các bệnh phù (do viêm thận mạn tính suy dinh dưỡng hoặc có thai): Cáquả 1 con (khoảng 250g), bí đao (để cả vỏngoài) 500g, xích tiểu đậu 60g, hành 3 cây. Cá quả đánh vẩy, rửa sạch mang và bỏ nội tạng; bí đao rửa sạch, thái miếng, đậu đỏ rửa sạch. Tất cả cho vào luộc chín nhừ, không cho muối, ăn trong ngày.

7 thói quen độc hại của người mắc viêm gan B

Những thói quen không tốt trong cuộc sống hằng ngày là một trong những nguyên nhân cơ bản thúc đẩy sự tấn công của căn bệnh này.

1. Uống quá nhiều rượu

- Rượu sau khi vào cơ thể một lượng nhỏ thông qua quá trình trao đổi chất chủ yếu thực hiện ở gan, được bài tiết ra ngoài qua hơi thở, phổi và tuyến mồ hôi; lượng còn lại cùng với ethanol trong gan hình thành dehydrogenase, chất này rất có hại cho tế bào gan.

- Vì vậy, Rượu rất có hại cho những bệnh nhân viêm gan B mãn tính, vi rút viêm gan B và rượu khi cùng tồn tại sẽ gia tăng tổn hại cho gan, dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

- Những người có vi rút viêm gan B âm tính nếu uống rượu trong thời gian dài thì khả năng bị xơ gan, ung thư gan và giảm tuổi thọ cao hơn nhiều.

2. Loạn dùng thuốc

- Cùng với sự xuất hiện của quá nhiều loại thuốc trên thị trường, việc mua và sử dụng thuốc đúng liều, đúng lượng là khá khó khăn với người tiêu dùng. Việc sử dụng thuốc tràn làn sẽ chỉ khiến viêm gan trở nên trầm trọng hơn

- Thuốc có ảnh hưởng nhất định đến các mô và các cơ quan của cơ thể. Thuốc sau khi vào cơ thể đa số được chuyển hóa qua gan. Với người có vi rút viêm gan B, khi sử dụng thuốc, gánh nặng của gan sẽ gia tăng do gan là cơ quan trao đổi chất và đóng vài trò phân hủy biến đổi thuốc.

- Một số bệnh nhẹ như cảm lạnh không nên lạm dụng thuốc, hãy nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

3. Thiếu ngủ

-Đôngy cho rằng, gan là bộ phận lưu trữ điều chỉnh các chức năng của máu. Nếu cơ thể được nghỉ ngơi trong trạng thái yên tĩnh, khi nhu cầu máu của các bộ phận được giảm xuống thì lượng máu đó được trở lại gan. Khi vận động học tập làm việc gia tăng, nhu cầu máu gia tăng, lượng máu tích lũy trong gan lưu thông nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
-Nếu thiếu ngủ, hoặc nghỉ ngơi không hợp lí dẫn đến sự thiếu hụt của máu ở gan ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng tế bào gan gây ra khả năng miễn dịch giảm. Với người nhiễm vi rút viêm gan B, tế bào bị hư hại sẽ rất khó phụv hồi và có khả năng nguy hiểm hơn.
- Vìvậy bệnh nhân viêm gan nên nghỉ ngơi từ 23h để có được giấc ngủ sâu vào 1-3h sáng, bởi đây là thời gian tốt nhất nuôi dưỡng máu trong gan. Nên ngủ 8 tiếng mỗi ngày, người già là 7-9 tiếng.

4. Dễ nổi giận và bực tức

-Nếu một người bị căng thẳng trong thời gian dài, tâm trạng không được giải tỏa, khiến khí không được lưu thông, gây tổn hại cho gan, có biểu hiện như tức ngực, đau xương sườn.

5. Ăn đồ dầu mỡ

-Mỡ không thể thiếu trong cuốc sống hàng ngày và là thành phần dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Lượng mỡ thích hợp đưa vào cơ thể cung cấp năng lượng và duy trì chức năng sinh lý. Nhưng nếu thường xuyên sử dụng thực phẩm có hàm lượng mỡ cao lại gây ra tác hại khó lường cho sức khỏe con người.

-Trong số các thực phẩm, dầu mỡ chính là kẻ thù số một của gan. Các thực phẩm có hàm lượng mỡ cao, qua đường ruột được hấp thụ vào máu, thông qua hệ thống tuần hoàn được gan hấp thụ và chuyển đổi thành lipoprotein tổng hợp mật độ thấp; người có gan không tốt nếu hấp thụ lượng chất béo cao sẽ tăng gánh nặng cho gan.Việckhó phân giải lượng mỡ tích tụ trong gan dễ gây ra các bệnh như xơ gan, ung thư gan.
-Bệnh nhân viêm gan nên lựa chọn thức ăn thanh đạm, ít dầu mỡ, thay thế bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin như hoa quả tươi.

6. Hay ăn đêm

-Gan là công xưởng của cơ thể, các thành phân dinh dưỡng sau khi được hấp thụ vào cơ thể đều được chuyển hóa qua gan. Việc ăn đêm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của gan, tăng gánh nặng cho chức năng này, thậm chí gây rối loạn chức năng gan. Đối với người bệnh là hết sức tối kị. Ngoài ra ăn đêm còn không có lợi cho các chức năng khác như: dạ dày, tì vị, thận, mật…
-Những người mắc viêm gan B mãn tính tốt nhất không nên ăn đêm hoặc cố gắng giảm thiểu ăn đêm. Nếu cần bổ sung dinh dưỡng vào buổi tối nên lựa chọn các thực phẩm có thành phần đường như kẹo hay bột mỳ, nhưng không nên ăn quá nhiều.

7. Hút thuốc lá

-Sự độc hại của thuốc lá ai cũng được tới. Sự nguy hại của việc hút thuốc lá bắt nguồn từ chính độc hại từ khói thuốc, sau khi được hít vào cơ thể đều gây tổn hại với các cơ quan trong cơ thể ở những mức độ khác nhau, là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư và các bệnh khác.

- Gan là cơ quan giải độc, sau khi bị nhiễm vi rút gan B, chức năng của gan giảm xuống, sự gia tăng nicotin (thành phần của thuốc lá) trong cơ thể gia tăng gánh nặng cho gan và gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe.

-Ngoài ra hút thuốc còn gây trở ngại và tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn máu trong cơ thể khiến lượng máu không được cung cấp đầy đủ, giảm khả năng miễn dịch, gây ra các bệnh về hô hấp và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Vì vậybệnh nhân viêm gan B mãn tính tuyệt đối không hút thuốc.

Ăn nhiều khoai tây có lợi cho gan

Các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) đã phát hiện ra rằng khoai tây chứa một loại vacxin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B. Vacxin này tựa như loại vẫn được dùng rộng rãi trên thế giới để tiêm phòng viêm gan B cho người.

Người ta đã cho những chú chuột thực nghiệm ăn nhiều khoai tây. Sau một thời gian quan sát, các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ nhiễm bệnh viêm gan B ở những con chuột này rất thấp. Điều này cũng đã được áp dụng với một số người và cho kết quả rất khả quan. Chính vì thế, các nhà khoa học đã có ý tưởng sản xuất vacxin phòng viêm gan B từ loại thực phẩm này.

Ở Việt Nam, số người mắc bệnh viêm gan B khá cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ, bạn hãy chú ý đến khoai tây trong bữa ăn của mình, cho dù đó không phải là món khoái khẩu của bạn.

Chế độ ăn trong bệnh viêm gan ở người lớn

I. Đại cương

Gan là một tạng lớn nhất trong cơ thể, có trọng lượng từ 1500 - 2300g, chia làm 2 phần là gan phải và gan trái. Nó vừa là một tuyến nội tiết - tham gia nhiều chức phận quan trọng như điều hòa đường máu và chống độc vừa là một tuyến ngoại tiết - tiết ra mật.

Viêm gan là tình trạng tổn thương tế bào gan.

Viêm gan thường có rối loạn tiêu hóa, sốt, nôn mửa, biếng ăn, ỉa phân lỏng có thể kèm triệu chứng vàng da

Nguyên nhân hay gặp nhất là do virus, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như do rượu, do một số thuốc hoặc hóa chất.

Sự tiến triển của viêm gan rất thay đổi, có khi khỏi hẳn rất nhanh nhưng cũng có khi tiến triển dẫn tới xơ gan hoặc trở thành mạn tính (viêm gan kéo dài từ trên 6 tháng đến nhiều năm được coi là viêm gan mạn tính).

Mục đích của chế độ ăn ở người viêm gan là nhằm: Nương nhẹ chức năng gan, Tạo điều kiện để tái tạo tổ chức gan, Ngăn ngừa sự hủy hoại thêm của tế bào gan.

II. Chế độ ăn trọng thời kỳ viêm gan cấp tính:

1. Giai đoạn đầu:

Thời kỳ này bệnh nhân có thể sốt, nôn mửa, đau nhức hoặc chán ăn. Vì gan vẫn phải làm việc khi tế bào gan bị tổn thương do đó phải áp dụng chế độ ăn nương nhẹ gan và nương nhẹ dạ dày, ruột.

- Năng lượng: 25Kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày. Chủ yếu cung cấp năng lượng cho bệnh nhân viêm gan bằng đường đơn: truyền glucose, acid amin, uống nước đường, nước hoa quả, sữa tươi, nước cơm, nước cháo….

- Khi sốt đã giảm, lượng nước tiểu tăng lên, áp dụng chế độ ăn sữa với khoảng 1000calo (1000 - 1500ml sữa)/ngày. Sữa là một loại thức ăn tốt vì nó không có nhiều cặn bã, không độc mà còn có khả năng chống độc, lợi tiểu, có thể dùng sữa tách bơ hoặc sữa đã rút kem pha thêm đường hoặc dùng các sản phẩm dinh dưỡng khác như: Ensure, Isocal, Sandosource, Vivonex T.E.N…

-Protid: 0,4 - 0,6g/kg cân nặng/ngày, dùng protid có giá trị sinh học cao.

-Lipid: 10 - 15% tổng năng lượng. Axid béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đối chiếm 1/3 và axid béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.

-Đủ vitamin và chất khoáng theo nhu cầu.

-Số bữa ăn: 6 - 8 bữa/ngày.

b. Giai đoạn tiếp theo:

Cuối giai đoạn viêm gan cấp tính có thể cho bệnh nhân ăn thêm ngũ cốc dưới dạng bột, cháo và khi đã hết sốt áp dụng chế độ ăn có nhiều protid và nhiều methionin như sữa tách bơ, thịt nạc, cá nạc cùng cới tăng cường calo, tăng cường chất bột.

-Năng lượng: 30Kcal/kg cân nặng hiện tại/ngày.

-Protid: 0,8 - 1kg/cân nặng hiện tại/ngày. Tỷ lệ protid động vật/tổng số: > 50%.

-Lipid: 10 - 15% tổng năng lượng. Axid béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axit béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid.

-Đủ vitamin, chất khoáng và nước

-Không dùng thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng

-Số bữa ăn: 4-6 bữa/ ngày

III. Chế độ ăn trong thời kỳ viêm gan mạn

Khi giai đoạn viêm gan cấp tính đã qua, bệnh nhân ở vào tình trạng “yếu gan”, thời kỳ này có khi kéo dài rất lâu. Bệnh nhân không chịu được những bữa ăn có quá nhiều chất béo, nhiều loại thực phẩm, hoặc những thay đổi đột ngột về môi trường, khí hậu.

* Chế độ ăn cần chú ý đến những điểm sau:

-Thức ăn phải tươi, tránh để lâu, không nên nấu nướng cầu kỳ

-Không dùng những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng

-Nên ăn nhiều bữa để hấp thu tốt hơn, chú ý dùng chế độ ăn nương nhẹ cả gan lẫn dạ dày và ruột

-Ăn nhiều thịt nạc nhưng tránh ăn thịt súc vật non vì có chứa nhiều nucleoprotid

-Nên ăn nhiều sữa, trứng ăn vừa phải và chỉ nên dùng trứng tươi

-Các chất béo chỉ nên dùng ít và dùng dạng dầu thực vật, tránh dùng mỡ động vật

-Tăng cường chất đường, mật, bột ngũ cốc

-Rau quả loại tươi, mềm, ít xơ, nhiều ngọt

-Không dùng gia vị, rượu, bia, chất kích thích...

* Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn:

-Năng lượng: 35Kcal/kg cân nặng hiện tại/ ngày

-Proid: 1-1,5g/kg cân nặng hiện tại/ ngày

-Lipid: 15-20% tổng năng lượng. Axít béo chưa no một nối đôi chiếm 1/3, nhiều nối đôi chiến 1/3 và axít béo no chiếm 1/3 trong tổng số lipid

-Đủ vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B, K) và muối khoáng.

-Nước: 1,5- 2lít/ngày

-Số bữa ăn: 3-4 bữa/ ngày

IV. Chế độ ăn khi bị xơ gan

Bệnh nhân vị xơ gan cần cung cấp nhiều protid (1,5-2 g/kg mỗi ngày) và glucid, nhiều vitamin nhóm B, vitamin K. Khi có cổ trướng cần ăn nhạt. Nếu tĩnh mạch thực quản giãn, cần tránh thức ăn có nhiều xơ cứng, đề phòng cọ xát gây vỡ tĩnh mạch do thức ăn. Chế độ ăn trong điều trị xơ gan cần áp dụng kéo dài khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa.

Nếu bệnh nhân có nguy cơ bị hôn mê gan (do gan suy nặng), cần hạn chế chất đạm do protid không hấp thu được sẽ đọng lại trong ruột sinh ra nhiều NH3, ngấm vào máu gây độc cho hệ thần kinh.

Đồng thời với chế độ ăn trong điều trị xơ gan, cần tăng cường các vitamin nhóm B như B1, B2, PP và các axit amin.

V. Một số thực đơn tham khảo

Mẫu 1: 1500Kcal/ ngày, Protid: 59g, Lipid: 22g, Glucid: 262g

-Sáng: Bún thịt bò (bún 200g, thịt bò 30g), quả chín: 100g

- Trưa: cơm 2 lưng bát (100g gạo), thịt nạc viên hấp 60g, canh bí 200g, nước cam 200ml

-Chiều: cơm 2 lưng bát (100g gạo), thịt bò xào rau cải (thịt bò 40g, rau cải 200g, dầu ăn 5ml), đu đủ 100g

-Tối: sữa tươi 200ml

Mẫu 2: Năng lượng 1770 Kcal, Protid: 82g, Lipid: 31g, Glucid: 288g

-Sáng: cháo thịt (gạo tẻ 30g, thịt nạc 30g), quả chín 100g

-Trưa: cơm 2 bát, thịt bò xào thập cẩm (thịt bò 50g, hành tây 20g, mộc nhĩ 5g, tỏi tây- cà rốt 30g, đậu cô ve 20g), canh cải 1 bát

-Chiều: cơm 2 bát, đậu sốt cà chua (đậu phụ 100g, cà chua 50g), tôm rang 50g, canh rau 200g, quả chín 100g

-Tối: sữa 200ml

Mẫu 3: Năng lượng 2100 Kcal, Protid: 86g, Lipid: 44g, Glucid: 347g

-7h sáng: Bánh mì trứng (bánh mì 1 cái, trứng gà 1 quả, dầu ăn 5ml), quả chín 100g

-9h: 1 cốc chè đỗ đen (đỗ đen 20g, đường kính 20g, bột đao 5g)

-11h: cơm 2 bát, thịt rim 50g, canh bí xanh tôm nõn (bí xanh 200g, tôm nõn 10g, dầu ăn 3ml), quả chín 200g

-15h: 1 hộp sữa nước 200ml

-17h: cơm 2 bát, thịt gà rang 80g, rau muống luộc 200g, quả chín 200g.

Món ăn cho người viêm gan siêu vi B

Ở bệnh nhân viêm gan do nhiễm siêu vi B, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần có kế hoạch ăn uống và sinh hoạt điều độ giúp làm chậm thời gian tiến triển bệnh từ viêm gan mạn sang xơ gan.
I. Chế độ ăn cho người bị viêm gan B cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan. Cần tránh rượu, thuốc lá, các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
- Không dùng các thức ăn nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
- Cần thận trọng khi sử dụng các loại hóa dược. Tốt nhất nên tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
- Không lao động tay chân hoặc lao động trí óc quá sức. Tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần.
- Tập luyện thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, bơi lội…

II. Đông y điều trị viêm gan mạn tính chủ yếu là dưỡng can kiện tỳ, bổ thận kèm thanh nhiệt, giải độc. Một số món ăn sau rất có ích cho người bị viêm gan siêu vi B:

* Cháo rau má
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Sau đó, cho rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói với ít muối hoặc đường.
Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính.

* Canh trứng gà nấu câu kỷ, táo đỏ
Câu kỷ 30g, táo đỏ 20g, trứng gà hai quả, nước 300cc. Nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bỏ vỏ rồi cho vào chung với đường đỏ, nấu đến khi đường tan. Chia một-hai lần, ăn trứng uống canh. Cách hai ngày ăn một lần. Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, trừ thấp, thích hợp dùng cho người bị bệnh viêm gan mạn tính.

* Canh táo đỏ nấu đậu phộng
Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30g. Cho đậu phộng vào nồi đất trước, cho nước vào, nấu khoảng 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất nấu chung với đậu phộng, thêm 20 phút nữa. Sau đó cho đường phèn vào, nấu tiếp năm phút. Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày.
Món này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính, xơ cứng gan.

* Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm
Nấm rơm tươi 200g, thịt heo nạc 200g. Nấm rơm tươi rửa sạch, cắt miếng, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa nấu đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm. Tác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho chứng viêm gan mạn tính.

* Canh cần tây, thịt heo nạc
Rau cần tây 100g, thịt heo nạc 100g, nấm hương (nấm đông cô) 20g, tỏi 5g, ít muối. Rau cần tây chỉ lấy cuống và lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng sau 20 phút thì rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt nhỏ (có thể thay bằng bột đậu xanh), tỏi bóc vỏ, đập dập.
Đun sôi nửa lít nước, cho thịt nạc vào, thịt chín thì cho cần tây, nấm hương, tỏi vào. Tiếp tục đun cho sôi. Ăn nóng lúc đói. Tác dụng giúp thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính.

* Cháo gạo lức, hải sâm
Gạo lức 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ tám trái. Gạo lức vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói.
Món này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.

* Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Bỏ bã lấy nước đổ vào nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.

*Canh cá chép, bí đao
Cá chép 1 con (khoảng 0,5 kg), bỏ vảy và nội tạng, rửa sạch, cắt đoạn, bí đao 250g, gọt vỏ rửa sạch thái lát. Hai thứ cùng cho vào nồi thêm nước và đầu hành hầm canh. Dùng ăn tùy ý.

*Cháo cà chua, rau cần, cà rốt
Cà chua rửa sạch, thái hạt lựu, rau cần rửa sạch thái nhuyễn, cà rốt rửa sạch thái nhuyễn (mỗi thứ lượng bằng nhau). Cho tất cả vào nồi nấu chín, nêm nếm gia vị.

*Canh thịt nấu nấm rơm
Nấm rơm tươi 100g, thịt nạc 100g, cả hai rửa sạch thái lát. Cho thịt vào nồi, thêm nước nấu chín, rồi cho nấm rơm vào nấu tiếp. Nêm nếm gia vị, dùng liền vài tuần.

*Chè nấm tuyết - câu kỷ
Câu kỷ tử 30g, rửa sạch, nhân nhĩ (nấm tuyết) 10g, sau khi ngâm nở bỏ cuống rửa sạch. Hai thứ cùng cho vào nồi thêm nước nấu chín, nêm đường phèn 30g, tiếp tục nấu sôi. Dùng ăn tùy ý, thích hợp dùng cho viêm gan mạn tính, gan nhiễm mỡ và xơ gan.

*Chè câu kỷ tử
Gạo tẻ 100g, vo sạch, cho vào nồi thêm nước nấu nở ra, thêm câu kỷ tử 20g, nấu đến khi đặc thì cho vào đường trắng. Hằng ngày dùng ăn sáng và chiều.

*Chè đậu phộng - táo đỏ

Táo đỏ 50g, đậu phộng (cả vỏ trong) 50g, đường phèn 50g. Đậu phộng rửa sạch, cho vào nồi thêm nước nấu chín, cho táo đỏ vào nấu sôi tiếp, nêm đường nấu cho tan. Ăn trước khi đi ngủ, ngày 1 lần, dùng liền 1 tháng, dùng cho viêm gan mạn tính, men gan tăng cao, cũng có thể dùng cho viêm gan cấp tính.

*Canh táo đỏ - nhân trần
Táo đỏ 15g, nhân trần 30g, cho vào nồi đất thêm nước sắc, uống ấm. Dùng liền trên 10 lần. Trong thời gian dùng món canh này cần kiêng mỡ và thịt.

*Chè củ mài - hạt dẻ
Củ mài 100g, hạt dẻ 50g, quất vàng 20g. Củ mài và quất vàng riêng biệt rửa sạch thái lát, cùng với hạt dẻ đã vo sạch cho vào nồi, nấu thành chè, nêm đường trắng 15g. Dùng ăn sáng và chiều.

*Canh nấm rơm
Nấm rơm 100g, cho vào nồi thêm nước nấu chín, nêm nếm gia vị, ăn nấm dùng canh, ngày 1-2 lần. Dùng lâu dài, thích hợp cho người viêm gan mạn tính.

Thực phẩm người bệnh gan nên tránh

Gan là tạng lớn nhất trong ngũ tạng và cũng là tuyến tiêu hoá lớn nhất trong cơ thể con người. Trọng lượng gan chiếm 1/50 - 1/40 trọng lượng cơ thể. Gan có vai trò quan trọng trong việc chuyển hoá các dinh dưỡng và đào thải các chất độc trong cơ thể.

Viêm gan là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về gan. Khi gan bị viêm sẽ ảnh hưởng tới công năng chuyển hoá các chất dinh dưỡng và sự đào thải các chất độc của cơ thể. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm phải hết sức cẩn thận.

Có nhiều thực phẩm khi cơ thể bình thường là những chất bổ dưỡng, nhưng khi bị viêm gan nếu ăn sẽ trở thành gánh nặng cho gan và làm cho bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Dưới đây là một số thực phẩm người bị bệnh gan nên tránh.

Thịt dê: Có tính ngọt, nóng có hàm lượng protein và lipit cao nếu người viêm gan ăn nhiều, sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, khiến gan không thể hoàn thành nhiệm vụ trao đổi chất cũng như đào thải các chất độc. Bởi vậy người viêm gan tốt nhất nên kiêng không ăn thịt dê.

Gừng: thành phần chính trong gừng tươi là chất volatile, khi biến chất sinh ra chất safrole. Các hoạt chất trong gừng và chất safrole có thể gây biến tính tế bào gan ở người viêm gan, làm hoại tử tế bào gan, làm cho bệnh viêm gan trở nên xấu đi.

Tỏi: Chất volatile trong tỏi làm giảm số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu, có thể dẫn tới thiếu máu nên bất lợi với người viêm gan. Vì vậy, với người bị viêm gan hoặc các bệnh về gan nên hạn chế ăn tỏi.

Chè đặc: trong lá chè có khá nhiều hợp chất của tanin, có tác dụng làm giảm nhu động (co bóp) của ruột để gây bí đại tiện, làm tăng tích luỹ chất độc ở gan, không có lợi cho người viêm gan. Vì vậy, người viêm gan không nên uống nước chè đặc.

Hạt tiêu: Là loại gia vị có tính kích thích mạnh, vị cay. Có tác dụng tả khí, trợ hoả rất có hại cho người viêm gan cấp, mạn tính và xơ gan. Người bị viêm gan không nên ăn hạt tiêu.

Tôm: Là loại thực phẩm giàu chất đạm, có tác dụng bổ thận tráng dương, là món ăn bổ dưỡng cho người khoẻ mạnh, bình thường. Tuy vậy, do hàm lượng cholesterol trong tôm cao, người bị viêm gan không nên ăn.

Nhân sâm: Có tác dụng tăng nhiệt làm hao âm mà trong khi đó những người viêm gan lại có biểu hiện của tình trạng âm suy hoả vượng như miệng khô, bí đại tiện, thấp nhiệt, mắt đỏ... nếu dùng sâm sẽ làm âm càng suy, bất lợi, dễ gây xuất huyết trong cơ thể. Vì vậy, không nên dùng nhân sâm.

Nhân sâm là một vị thuốc quý nhưng không tốt cho người bệnh gan

Măng, hành, hẹ: Là những thực phẩm có nhiều xơ, dai, dạ dày khó tiêu hoá và chuyển hoá ở gan. Ở những người viêm gan, xơ gan tĩnh mạch, đường tiêu hoá ở cuối dạ dày bị giãn nở, nếu ăn nhiều chất xơ và khó tiêu sẽ không có lợi.

Một số mẫu thực đơn cho người bị bệnh viêm gan

1. Thực đơn dành cho bệnh nhân viêm gan (giai đoạn cấp tính):

- Mẫu 1:

6h30: Sữa chua 200 ml;

10h: Phở 1 bát (bánh phở 200 g, thịt nạc 25 g);

13h30: Sữa chua 150 ml;

17h: Cơm (gạo tẻ 100 g), khoai tây hầm thịt bò (khoai tây 200 g, thịt bò 25 g), chuối 1 quả;

19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g);

21h: Sữa tách bơ 150 ml.

- Mẫu 2:

6h30: Sữa chua 200 ml.

10h: Cơm (gạo tẻ 100 g), giá xào (giá đỗ 100 g, thịt nạc 20 g, dầu 5 g);

13h30: Sữa chua 150 ml;

17h: Cơm (gạo tẻ 100 g), gan xào (gan lợn 30 g), canh cải (rau cải 100 g), chuối tiêu 1 quả;

19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g);

21h: Sữa tách bơ 150 ml.

- Mẫu 3:

6h30: Sữa chua 200 ml;

10h: Mỳ thịt bò (mỳ sợi 100 g, thịt bò 25 g);

13h30: Sữa chua 150 ml;

17h: Cơm (gạo tẻ 100 g), trứng, thịt hấp (trứng gà 1 quả, thịt nạc 10 g), canh rau ngót (rau ngót 100 g), chuối tiêu 1 quả;

19h: Nước cam (cam 200 g, đường 20 g);

21h: Sữa tách bơ 150 ml.

2. Thực đơn dành cho bệnh nhân xơ gan (giai đoạn tiến triển):

7h: Sữa tách bơ 200 ml (sữa bột tách bơ 25 g, đường glucose 10 g), bánh bột khoai hấp 2 cái (bột khoai lang hoặc khoai sọ 50 g, đường glucose 20 g).

11h: Cháo thịt (gạo 100 g, thịt nạc 30 g, dầu 5 g, hành 5 g), chuối tiêu 100 g.

14h: Nước mía 250 ml.

16h: Súp rau thịt + bún (bún 150 g, bắp cải 100 g, khoai tây 150 g, hành, mùi 10 g, dầu 5 g), quýt ngọt 200 g.

19h: Chè bột sắn dây 200 ml (bột sắn 25 g, đường glucose 15 g).

Theo Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn

Tham khảo ý kiến thầy thuốc

Thần dược cho người đột quỵ

Thực phẩm cho người tiểu đường

DANH SÁCH CÁC BỆNH

Bệnh hô hấp

Bệnh gan mật

Bệnh thần kinh

Bệnh tiêu hóa

Bệnh tiết niêu

Bệnh tim mạch

Bệnh hạch tuyến

Bệnh hầu họng

Bệnh mắt

Bệnh tai

Bệnh trẻ em

Bệnh phụ nữ

Bệnh Nam khoa

Bệnh ngoài da

Bệnh ung thư

Bệnh cơ xương khớp

Bệnh khi có thai

Bệnh phổi

Bệnh răng miệng

Thông tin trên Website :www.thaythuoccuaban.comchỉ có tính chất tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chữa bệnh.

. Địa chỉ: Số 482 lô 22C Đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng. GP : 197GCN HNY SYTH